Tiếng Việt English
Companies Companies Companies
Vẫn điệp khúc thiếu vốn, khó mua USD

Tại cuộc họp giao ban công tác xuất nhập khẩu những tháng cuối năm, ngày 26-10, tại Bộ Công Thương, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đang có tình trạng doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đẩy đơn hàng giá rẻ thuê doanh nghiệp Việt Nam làm, xuất khẩu.

Những tháng cuối năm này, DN xuất khẩu đôn đáo lo vốn và ngoại tệ. Đại diện Bộ Công Thương đề nghị ngân hàng cơ cấu vốn cho DN vay xuất khẩu.

Đẩy đơn hàng giá rẻ sang Việt Nam

Ông Nguyễn Sơn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, gần đây các DN Trung Quốc chuyển dịch các đơn hàng giá trị thấp sang Việt Nam khá nhiều. Có hiện tượng này là do nước này đang bị khủng hoảng thiếu nhân công lao động tại các tỉnh sản xuất dệt may lớn như Giang Tô, Triết Giang, Quảng Đông.

Ngoài ra, chi phí nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng nhanh. Cùng với đó chính phủ nước này đưa ra các giải pháp rất mạnh về tiết kiệm điện năng, buộc các nhà máy không đáp ứng đủ khả năng sản xuất phải chuyển dịch đơn hàng đi chỗ khác, nên nhiều thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam đặt hàng để xuất khẩu đi nước khác.

Theo ông Sơn, trong 9 tháng của năm 2010, Trung Quốc vẫn xuất khẩu 149 tỷ USD hàng dệt may, tăng trưởng trên 20% so với năm ngoái. Như vậy khi họ gặp vấn đề chi phí cho điện năng cao, chi phí lao động cao thì họ tập trung ép doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao trong khi các đơn hàng giá rẻ được đẩy sang nước khác như Việt Nam, Bangladesh.

Đây là xu thế mà ngành dệt may Việt Nam phải suy nghĩ thêm trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu sức ép về thiếu lao động và giá công lao động cũng tăng nhanh. Năm nay, có doanh nghiệp đã phải trả lương lên tới 3,5 triệu, có nơi gần 4 triệu đồng/tháng/người để giữ chân công nhân.

Một phân xưởng dệt may (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, cho rằng về lâu dài nếu chạy theo đơn hàng một cách thụ động như hiện nay thì hiệu quả sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của ta sẽ rất thấp. Đây là điều cần tính toán kỹ trong năm 2011 và các năm tới.

Lo thiếu vốn cuối năm

Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 57,8 tỷ USD. Đây là mức tăng ngoài dự kiến. Đặc biệt, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, đạt 31 tỷ USD trong khi xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đạt 26,8 tỷ USD. Nếu không tính xuất khẩu dầu thô, xuất khẩu của khu vực FDI tăng tới 39,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, dù có kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhưng lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI lại thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Trong 10 tháng, khu vực 100% vốn trong nước nhập khẩu 38,1 tỷ USD trong khi khu vực doanh nghiệp FDI nhập 29,11 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, biến động tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do và thị trường chính thức trong thời gian gần đây là việc doanh nghiệp xuất khẩu phải cân nhắc. Tỷ giá tăng lên thuận lợi cho xuất khẩu nhưng gây khó khăn cho mua bán ngoại tệ.

Nếu doanh nghiệp bán USD cho ngân hàng theo tỷ giá chính thức sẽ rất thiệt thòi. Nếu bán, khi cần mua doanh nghiệp phải chịu rất nhiều chi phí, phụ phí… điều này khiến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên. Đây là bài toán phức tạp.

“Trong tháng 11, 12 cần đánh giá diễn biến của tỷ giá để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu” - Ông Biên nói.

Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, khi kinh tế hồi phục, bắt đầu nước ngoài có dấu hiệu mua hàng nhiều thì chúng ta lại khó khăn về vốn và nguyên liệu đầu vào.

Những tháng cuối năm doanh nghiệp cần lượng vốn gấp đôi hoặc gấp 3 so với bình thường để phục vụ cho hoàn thành kế hoạch, quay vòng vốn và năm tiếp theo. Như vậy có khả năng doanh nghiệp bị thiếu vốn. Nếu các doanh nghiệp da giày dệt may đã có đơn hàng nhưng thiếu vốn thì sẽ rất khó khăn. Đây là những điều có thể nhìn thấy.

Ông Chinh đề nghị ngành ngân hàng có cơ cấu vốn ưu tiên cho sản xuất, xuất khẩu hơn các lĩnh vực như bất động sản, tiêu dùng.

Theo Phạm Tuyên
Tiền phong

+ Mua | Bán | Khuyến mãi | Địa chỉ web | Video clips | Tin tức | Triển lãm
© Copyright 2010 King Supplier | Điều kiện sử dụng | Chính sách bảo mật | Giúp đỡ | Liên hệ +