Tiếng Việt English
Companies Companies Companies
Vị doanh nhân vàng với những duyên lạ
Vị doanh nhân vàng với những duyên lạ

Trong giới kinh doanh vàng, ông Đỗ Minh Phú là trường hợp đặc biệt. Nhiều người biết ông là giám đốc công ty lớn, nhưng ít ai hay ông còn lấn sân vào cả những lĩnh vực "ngoại đạo" như nhà hàng và sản phẩm cho chị em phụ nữ.


Sinh năm 1952, tuổi Thìn, nghiệp kinh doanh của Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI - Đỗ Minh Phú đầy ắp những tình cờ định mệnh. Học giỏi văn thời phổ thông nhưng ông lại vào ngành vô tuyến điện tử ở đại học vì một sự tình cờ.

Với thành tích học tập tốt, ông được cử đi học ở Liên Xô nhưng vì một sự nhầm lẫn, giấy gọi nhập học thiếu tên Đỗ Minh Phú. Để bù đắp sau sai sót này, đích thân ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời bây giờ gọi ông lên, viết giấy cho phép chọn bất cứ khoa nào của Đại học Bách Khoa và ông chọn nơi cao điểm nhất.

Đến khi đi làm, ông theo đuổi ngành khoa học máy tính nhưng không thoát cái nghiệp kinh doanh có tính "gia truyền". Khả năng chuyên môn cùng lợi thế giỏi tiếng Anh, ông được Viện nghiên cứu cử làm giám đốc một công ty nước ngoài về đá quý, và sau đó là công ty liên doanh cùng lĩnh vực.

Chân dung ông Đỗ Minh Phú, Tổng Giám đốc Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI. Ảnh: PV

Năm 1994, ông quyết định thực hiện một bước ngoặt, bỏ chức Giám đốc công ty liên doanh lương 300 đôla Mỹ, ngày ngày có xe đưa đi đón về, để thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý. Đó là cái thời mà mức lương 300.000 đồng cũng đã được gọi là hòm hòm, nên nhiều người bảo ông "có vấn đề" khi mạo hiểm bỏ cái ghế "ngon lành" như vậy. Tuy nhiên, ông Phú vẫn quyết tâm làm với ý nghĩ "người Việt Nam cũng có thể tự nghiên cứu và xử lý đá quý được".

Tuy nhiên, cú đột phá trong sự nghiệp, cùng cái duyên thực sự với vàng chỉ đến vào năm 2007, khi ông dồn hết sức lực xây dựng một trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, mang tên Ruby Plaza tại Hà Nội. Hai năm 2007 và 2008 chứng kiến hàng loạt sự đổi thay của doanh nghiệp, đổi tên DOJI, đồng thời tái cấu trúc và phân chia làm 6 công ty thành viên.

Cũng đúng thời điểm đó, khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu nổ ra. Thay vì lo sợ và thoái vốn như những nhà đầu tư khác, ông Phú cho rằng "khó khăn chính là cơ hội" và nhanh tay thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái.

Có hai công ty vàng SJC lớn trong tay, cái duyên với vàng của ông bắt đầu nở rộ mãnh liệt. Chính thức buớc chân vào thị trường vàng khá muộn so với đồng nghiệp nhưng chỉ trong ít năm, vàng đã giúp cho doanh thu của tập đoàn từ 60 tỷ hồi 2006 lên trên 20.000 tỷ đồng vào 2010. Năm vừa rồi chứng kiến thị trường vàng biến động mạnh nhưng ông cho biết vẫn kinh doanh thuận lời vì biết tiến, dừng đúng lúc. “Từ đầu tôi đã không chọn lựa con đường kinh doanh vàng. Đó là một lối rẽ không định trước nhưng bây giờ nhìn lại, tôi cảm ơn nghề vì đã chọn mình”, ông Phú tâm sự.

Bên cạnh nghiệp vàng, ông Đỗ Minh Phú còn có hai cái duyên tình cờ khác là kinh doanh nhà hàng và sản xuất băng vệ sinh phụ nữ.

Mới nghe qua, nhà hàng có vẻ không dính dáng gì tới vàng bạc, nhưng thật ra trong trường hợp này lại gắn kết chặt chẽ. "Đối với người dân Việt Nam, mua sắm vàng không giống như quần áo, một năm may ra họ chỉ ghé thăm cửa hàng, trung tâm vàng bạc độ một vài lần", ông Phú phân tích. Do đó, đặt nhà hàng cao cấp trong trung tâm thương mại Ruby Plaza là chìa khóa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí marketing. Thực khách khi đến ăn uống ở các tầng trên cùng sẽ nhìn thấy và ghi nhớ rằng ở dưới đó là một trung tâm vàng bạc đá quý. Đó cũng là lý do hiện nay nhà hàng ngày càng đông khách nhưng ông Phú cũng chỉ nới rộng thêm mặt bằng trong cùng tòa nhà, chứ không có ý định mở thêm ở địa điểm nào khác.

Còn cái duyên với sản phẩm chăm sóc phụ nữ xuất phát từ em trai ông, nguời đề nghị ông Phú cùng sản xuất băng vệ sinh vào cuối những năm 90. Thời kỳ đó, thị trường này vẫn còn bỏ ngỏ. Cũng tương tự nhà hàng, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với ông Phú. Do em trai ở nước ngoài nên ông Phú một mình lo liệu mọi thứ, như thuê nhà xưởng, tuyển nhân lực, tìm chuyên gia. Từ con số 0, đến nay thương hiệu Diana đã có vị trí vững vàng trên thị trường sản phẩm chăm sóc chị em phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. "Trong một lĩnh vực rất mới như vậy, vấn đề then chốt là phải biết bắt đầu từ cái gì", ông Phú chia sẻ.

Trong suốt 20 năm làm kinh doanh, ông Phú tự nhận thấy mình chưa từng thất bại. Nguyên tắc của ông là không bao giờ mạo hiểm với vốn liếng của mình, luôn canh cánh về những rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt trong lĩnh vực vàng, doanh nhân càng phải tỉnh táo.

"Vàng là một hàm có hàng chục tham số. Khó có ngành nào lại gắn chặt với mọi mặt từ kinh tế, chính trị, tôn giáo, thậm chí cả thời tiết như vàng. Ngoài ra, vàng trong nước còn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá, tâm lý người dân, điều tiết vĩ mô", ông Phú nhận xét. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm là nhà đầu tư không được say quá đà. Để hạn chế rủi ro, không bao giờ nghĩ đến lợi nhuận tối đa vì điều này đi kèm với rủi ro tối đa.

Không như các doanh nhân thành đạt khác, ông Phú hoàn toàn "đoạn tuyệt" với những thú vui thường thấy như chơi golf, tennis hay bất cứ môn thể thao nào vì quá bận rộn. Một ngày của ông kín mít lịch từ 8h sáng, làm việc đến 6h30 tối bắt đầu giải quyết nốt những email và công việc tồn đọng trong ngày, 7h30 dạo quanh một vòng quan sát các nhà hàng và về nhà ăn cơm lúc 8h tối. Sau đó, ông tiếp tục theo dõi phiên giao dịch vàng thế giới đến 12h30 đêm, sáng hôm sau mở mắt ra lúc 6h đã phải cập nhật ngay tin tức của đêm hôm trước và phiên giao dịch vàng châu Á đầu ngày để quyết định đặt giá vàng SJC cho ngày mới.

Thú vui giải trí duy nhất của ông là xem quảng cáo, nhưng không phải vì thích thú âm thanh hình ảnh vui nhộn như trẻ nhỏ, mà để học hỏi kinh nghiệm marketing, quảng bá hình ảnh. "Bên cạnh nhân lực, marketing là vũ khí lợi hại nhất của một doanh nghiệp", đó là quan điểm của ông Phú.

Là doanh nhân thành đạt, ông cho biết mình thừa hưởng gen kinh doanh từ gia đình. Bà nội từng là một nông dân hai bàn tay trắng nhưng nhờ buôn bán mà có hàng trăm mẫu ruộng. Bố ông hiện đã 87 tuổi nhưng vẫn đích thân điều hành xí nghiệp may gần 300 công nhân. Hiện nay, hai con của ông, một trai một gái, cũng góp sức cho sự nghiệp gia đình sau khi tốt nghiệp các ngành kinh tế, marketing ở nước ngoài.

Mang gen kinh doanh như bà và bố nên ước mơ và sở thích lớn nhất của ông Phú là được làm việc, kể cả đến khi nào sức khỏe không cho phép nhưng trí tuệ vẫn còn. "Doanh nhân như một võ sĩ trên sàn đấu. Nếu ngày nào cũng chịu áp lực căng thẳng thì anh ta dần quen đi và thay vì khó khăn thì sẽ chỉ cảm thấy thích thú", Chủ tịch của DOJI tâm sự.

Thanh Bình

(Theo vnexpress.net)

+ Mua | Bán | Khuyến mãi | Địa chỉ web | Video clips | Tin tức | Triển lãm
© Copyright 2010 King Supplier | Điều kiện sử dụng | Chính sách bảo mật | Giúp đỡ | Liên hệ +